Tin tức / Bạn bè

'Người biết lẽ phải nhất trên trái đất này'

CLB NHIẾP ẢNH CHIẾN SĨ

CLB Nhiếp ảnh chiến sĩ, SOLDIER PHOTOGRAPHY CLUB

CLB Nhiếp ảnh chiến sĩ, SOLDIER PHOTOGRAPHY CLUB, ảnh đẹp trong tuần, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, tác phẩm nổi tiếng

Ngày: 06/12/2016

 

 
Đó là lời nhận xét của Oliver Stone, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ nói về Chủ tịch Cuba Fidel Castro, một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Cách mạng Cuba.
 
 
6agf_24b
Chủ tịch Cuba tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị năm 1973.
 
 
 
Nhà cách mạng kiệt xuất của Mỹ Latinh
 
Fidel Castro, sinh ngày 13-8-1926, tại làng Oriente, quận Birán, tỉnh Hol Giun miền Đông Cuba, cách Thủ đô La Habana 800km.
 
Ông Angle Castro, cha Fidel Castro vốn là một nông dân cùng khổ của Tây Ban Nha nhưng đã làm ăn phát đạt ở Cuba. Ông Angle đã lập trang trại Manacas và tuyển những người dân nghèo mới di cư từ Tây Ban Nha, Haiti sang và cả người bản địa Cuba đến làm việc, sau này trở thành thị trấn Birán của Cuba.
 
Lớn lên, Fidel Castro theo học Đại học Havana vào năm 1945. Fidel đã nói về ảnh hưởng của ngôi trường này đối với mình như sau: Ở trường nay, tôi đã học được gần hết những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời mình, bởi vì tại chính nơi đây, tôi phát hiện ra những tư tưởng tốt đẹp nhất của thời đại chúng ta và của tất cả mọi thời đại, vì thế tôi làm cách mạng và trở thành người theo tư tưởng José Martí, xã hội chủ nghĩa.
 
Cùng với những người bạn của mình, Fidel Castro đã lật đổ được chế độ độc tài thân Mỹ năm 1959. Từ đây Cuba bước vào công cuộc xây dựng đất nước với mục đích phục vụ nhân dân. Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã tuyên bố: "Đất nước của chúng tôi - đó phải là một thiên đường theo đúng ý nghĩa tinh thần của từ này. Tôi đã nhiều lần nói, thà chết trong thiên đường chứ không cần sống sót trong địa ngục. Cách mạng - đó không phải là cái giường rải đầy cánh hoa hồng. Đó là cuộc đấu tranh một mất, một còn giữa quá khứ và tương lai".
 
Riêng đối với nước Mỹ, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã nhiều lần lên án và đấu tranh không khoan nhượng đối với sự hiếu chiến và dã tâm của đế quốc Mỹ. Ngày 17-4-1961, Mỹ yểm trợ 1.300 lính Cuba lưu vong đổ bộ lên vịnh Con Lợn. Tuy vậy, cụm quân này đã bị Quân đội cách mạng Cuba đánh cho tan tành trong thời gian ngắn. Chính Fidel Castro đã đích thân chỉ huy trận đánh trên một chiếc xe tăng T-34 dẫn đầu đội hình chiến đấu của quân đội Cuba trong cuộc chiến trên vịnh Con Lợn. Đặc biệt, chiếc T-34 do ông chỉ huy đã bắn hạ 2 chiếc xe tăng M4 Sherman của bọn quân lưu vong Cuba trong khi tham chiến.
 
Ngày 1-5-1961, Chủ tịch Cuba Fidel Castro tuyên bố: Cuba là một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Ông khẳng định: "Tại châu Mỹ Latinh này, không có một Chính phủ nào dân chủ hơn Chính phủ cách mạng của chúng ta... Nếu ngài Kennedy không ưa xã hội chủ nghĩa, thì cũng như chúng ta cũng ghét chủ nghĩa đế quốc vậy. Chúng ta căm ghét chủ nghĩa tư bản".
 
Trong sáng tinh thần quốc tế
 
Năm 1962, nhằm ngăn cản sự xâm lược bành trướng của Mỹ trên thế giới, Chủ tịch Fidel Castro đồng ý cho Liên Xô bố trí các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại đất nước mình. Fidel Castro đã nói: "Chúng tôi đồng ý để bố trí tên lửa của Liên Xô ở hòn đảo này. Chúng tôi có thể sẽ là những người phải hy sinh trước tiên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ".
 
Bởi vậy, Chủ tịch Fidel Castro đã bị CIA ám sát 800 lần (!). Các âm mưu ám sát bao gồm xì gà tẩm độc tố hoặc tẩm thuốc nổ, bút bi chứa một ống tiêm tẩm chất độc chết người và thuê mafia ám sát... Chủ tịch Fidel Castro đã nói đùa rằng: "Nếu sống sót sau các vụ ám sát cũng được trao huy chương Olympic thì tôi nhất định sẽ giành được Huy chương Vàng". Chính vì bản lĩnh của một người chiến sĩ cộng sản quốc tế chân chính, không hề run sợ trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch, phản động nên đạo diễn Mỹ Oliver Stone đã nhận xét về Chủ tịch Fidel Castro như sau: "Chúng ta phải nhìn nhận Fidel như một trong những người sáng suốt, biết lẽ phải nhất trên trái đất này, một trong những người chúng ta cần hỏi ý kiến".
 
Bên cạnh đó, Chủ tịch Fidel Castro đã tích cực giúp đỡ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của châu Mỹ Latinh tại các quốc gia: Chile, Nicaragua, El Salvador...
 
Không chỉ dừng lại ở châu Mỹ, Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro còn kề vai sát cánh với nhân dân châu Phi trong cuộc chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Hơn một phần tư thế kỷ làm nghĩa vụ quốc tế, Cuba đã cử trên 380.000 lượt binh sĩ (chưa kể 70.000 lượt nhân viên dân sự) kề vai sát cánh chiến đấu, giúp đỡ các nước châu Phi, giành lại độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 2.000 người con ưu tú của nhân dân Cuba đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả tại châu Phi. Cựu Tổng thống Liên bang Nam Phi Nelson Mandela nhấn mạnh: Tôi không bao giờ quên được trong những giây phút đen tối nhất của đất nước chúng tôi, trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Apartheid, Fidel đã ở bên cạnh chúng tôi.
 
Đối với phong trào cách mạng ở châu Á, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã nhiệt thành giúp đỡ bằng mọi cách. Ngay từ những năm đầu tiên trong chế độ mới, Chủ tịch Fidel Castro đã bày tỏ tình đoàn kết, giúp đỡ vật chất cho cuộc đấu tranh của nhân dân ba nước Đông Dương chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chư hầu. Đặc biệt, Chủ tịch Fidel Castro dành một tình cảm đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam. Ngày 2-1-1966, khi nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn gay go nhất của cuộc đụng đầu lịch sử đối với đế quốc Mỹ, trong cuộc mít tinh có trên 1 triệu người Cuba tham dự và khách mời của các nước đến từ châu Á, Phi và Mỹ Latinh, Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".
 
Lời tuyên bố chí tình ấy đã làm rung động cả lương tri nhân loại. Hàng ngàn thanh niên Cuba viết đơn tình nguyện xin đến Việt Nam để cùng nhân dân ta đánh Mỹ. Trong tháng 9-1973, bất chấp sự nguy hiểm, Chủ tịch Fidel Castro đã đến tận khu giải phóng Quảng Trị. Hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro đứng trên chiếc xe tăng Mỹ phất cao lá cờ truyền thống bách chiến bách thắng của Sư đoàn Khe Sanh mãi là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Cuba và Việt Nam và cũng là biểu tượng cho sự hữu nghị chân chính của mọi thời đại.
 
Từ năm 1991 đến nay, mặc dù đất nước còn gặp khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Fidel Castro, Cuba đã đào tạo miễn phí cho hơn 40.000 sinh viên của 80 nước trên thế giới, đưa hơn 25.000 lượt giáo viên đến các nước kém phát triển, gần 50.000 nhân viên y tế Cuba đến 91 quốc gia và vùng lãnh thổ để giúp bạn xây dựng đất nước. Ngoài ra, Cuba còn cử hơn 1.300 chuyên gia thể thao đến 51 nước trên thế giới. Tất cả những điều đó đã nói lên tầm vóc vĩ đại Chủ tịch Fidel Castro, người chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa của Cuba.
 
Tính tới năm 2010, Chủ tịch Fidel Castro đã được trao tặng 50 huân chương và danh hiệu các loại từ hơn 40 quốc gia trên thế giới như: Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lenin, Giải thưởng Hòa bình Lenin, Huân chương Cách mạng tháng Mười của Liên Xô; Huân chương Karl Marx của CHDC Đức; Huân chương Sao Vàng của Việt Nam; Anh hùng Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; Huân chương Welwitschia Mirabilis cổ đại vì những "đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân dân châu Phi"; Huân chương danh dự Dominica vì những "đóng góp cho nền độc lập của Dominica"; Huân chương O.R.Tambo hạng Vàng của Nam Phi "vì những đóng góp vào công cuộc xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng trong xã hội loài người"; Huân chương hạng Nhất Merit của Ukraina vì những "đóng góp quan trọng để khôi phục sức khỏe cho trẻ em vùng Chernobyl, sau tai nạn vào năm 1986", Huân chương Đông Timor hạng Nhất (2010) "vì những đóng góp của Cuba về y tế và giáo dục"...
 
 
Nguyễn Văn Toàn
(www.bienphong.com.vn)
 
Chia sẻ Facebook Google LinkedIn Email In
Các nội dung khác