Nhân kỷ niệm ngày “Di sản văn hóa Việt Nam” (23/11/2005 – 23/11/2018), sáng ngày 23 tháng 11 tại, TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ đã tổ chức Hội thi Cắt may Áo dài lần thứ nhất năm 2018 nhằm tôn vinh những con người thầm lặng hàng ngày làm ra và tạo nên chiếc áo dài truyền thống, một vẻ đẹp biểu trưng của dân tộc Việt.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phát biểu chào đón các thí sinh tham gia hội thi
Hội thi đã thu hút 20 nhà may, nhà thiết kế thời trang, các học viên chuyên ngành thiết kế ở các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh dự thi. Các thí sinh tham gia với tay nghề khá, giỏi đã tạo ra những chiếc áo dài truyền thống của người Phụ Nữ Việt Nam, điều quan trọng ở chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam đó chính là “hồn”, điều này được thể hiện qua sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, vừa phản ánh được bản sắc dộc đáo của dân tộc, vừa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của thời đại. Đặc biệt trong cuộc thi lần này không phải là may áo dài cho kiểu người có vóc dáng mảnh mai, mà may những chiếc áo dài đa dạng về ngoại hình và lứa tuổi để người phụ nữ ở độ tuổi nào, vóc dáng ra sao, khi khoác lên chiếc áo dài đều toát lên vẻ tao nhã, thanh thoát tạo nên vẻ đẹp của người phụ nữ.
Phát biểu khai mạc Hội thi, bà Nguyễn Thị Thắm Giám đốc Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ khẳng định: “Hội thi cắt may áo dài lần này là hoạt động văn hoá nhằm hưởng ứng kỉ niệm ngày Di sản văn hoá Việt Nam cũng như tôn vinh bản sắc văn hoá truyền thống trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc; đồng thời góp phần quảng bá và giới thiệu đến khách tham quan trong và ngoài nước những nhà may uy tín, khéo léo và tay nghề giỏi”.
Ban Giám khảo giám sát các thí sinh thao tác
Áo dài là một trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao năm tháng, chiếc áo dài đã trở thành di sản trong tâm hồn của người Việt với nhiều phong cách khác nhau từ năng động đến nhẹ nhàng, chiếc áo dài được may nhiều màu sắc, hoa văn và chất liệu. Có thể nói, áo dài đã thể hiện đậm nét về lịch sử văn hoá trang phục, và phản ảnh đặc trưng của dân tộc Việt Nam cả về giá trị kinh tế, lịch sử, quan niệm thẩm mỹ và sự giao tiếp văn hoá giữa các dân tộc. Chính vì vậy Hội thi cắt may áo dài của Bảo tàng Phụ nữ nam bộ năm 2018 có ý nghĩa rất lớn tôn vinh những yếu tố kiến tạo, kiết nối các công đoạn để hình thành một chiếc áo dài, nhất là áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam vừa quyến rũ lại vừa gợi cảm, vừa kín đáo nhưng vẫn biểu lộ đường nét hình thể qua những bàn tay khéo léo của những người thợ.
Bám sát vào thể lệ của Ban tổ chức cuộc thi, trong thời gian 5 tiếng đồng hồ các thí sinh tham gia phải thiết kế đo, cắt, may hoàn chỉnh một bộ áo dài truyền thống, nên công tác chuẩn bị máy may, bàn ủi, thước kéo và các phụ liệu may mặc được tập kết tại địa điểm một cách chu đáo, ngoài ra tìm người phụ, người đo may và trình diễn được các thí sinh chọn lựa một cách kì càng, đảm báo cho quá trình thi được diễn ra suôn sẻ công tâm và minh bạch. Hội thi đã diễn ra sôi nổi và hào hứng, tiếng máy chạy, những bàn tay thoan thoát, những ánh mắt của những người thợ đều tập trung chăm chút từng chi tiết nhỏ, từ đường kim mũi chỉ may trên chiếc áo dài cũng vô cùng quan trọng không thể bỏ sót. Thí sinh nam duy nhất Châu Dương Tuấn, là học viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham dự một cuộc thi vừa quy mô, vừa có nhiều thợ giỏi có kinh nghiệm lâu năm tham gia nên bản thân khá run và hồi hộp, nhưng xác định đến đây để giao lưu học hỏi và chia sẻ nên dần dần tự tin và chú tâm vào công việc của mình”. Đây cũng là thí sinh được hội thi và cánh truyền thông quan tâm khi may áo bằng tay, người phụ và biểu diễn cùng anh là người mẹ thân yêu của mình. Sau khi những chiếc áo dài được cắt may xong, các thợ may sẽ đưa cho người mẫu của mình mặc và trình diễn trước hội thi, những người mẫu tự tin sải bước làm cho 20 bộ áo dài trở nên thướt tha hơn, tôn vinh lên vẻ đẹp của người phụ nữ và những bộ áo dài này sẽ được Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ lưu giữ có kế hoạch tổ chức triển lãm trong thời gian tới. Thành công của cuộc thi không thể không nhắc đến Công ty cổ phần thời trang Thái Tuấn, đây là đơn vị luôn tích cực luôn đồng hành với các hoạt động xã hội, nhất là các chương trình bảo tồn và phát triển các di sản của dân tộc, tại hội thi lần này công ty đã ủng hộ tài trợ vải áo dài để các thí sinh thiết kế, cắt, may sản phẩm trên cùng một chất liệu điều đó làm tăng thêm giá trị về ý nghĩa của cuộc thi.
Thí sinh nam duy nhất của hội thi Châu Dương Tuấn với phần thi may áo bằng tay luôn được Ban Tổ chức và giới truyền thông quan tâm
Bà Nguyễn Hồng Thắm, giáo viên môn cắt, may, thêu, đan của Nhà văn hoá Phụ nữ TP.HCM – Giám khảo hội thi đã đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình của các nhà thiết kế, các nhà may, thợ may với cuộc thi. Đồng thời bà nhận xét “ Tuy hội thi diễn ra lần đầu và thời gian chuẩn bị con chưa chu đáo lắm, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, các thí sinh tham gia rất nghiêm túc, các sản phẩm áo dài trong hội thi được may khá công phu và tỉ mỉ, đường may đẹp, các mẫu áo dài được may hết sức tinh tế, khá chỉn chu và đẹp mắt, nên khá khó khăn cho BGK trong việc chấm điểm và lựa chọn người chiến thắng cho cuộc thi, chúng ta tự hào về tà áo dài truyền thống dân tộc bao nhiêu, thì chúng ta càng trân trọng những bàn tay bảo tồn, lưu giữ, kiến tạo và lan tỏa nét đặc trưng của trang phục Việt đến với bạn bè năm châu.”
Hội thi khép lại với 1 giải nhất thuộc về thí sinh Lê Thị Hai, nhà may Áo dài Hồng Khoa, cùng với 2 giải nhì, 3 giải ba và nhiều giải khuyến khích cho những thí sinh xuất sắc với tổng giá trị giải thưởng là 36 triệu đồng. Thành công của hội thi như một thông điệp về truyền thống bảo tồn, gìn giữ và phát triển vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống – nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt sẽ tiếp tục lan tỏa và tổ chức trong những năm tiếp theo.
Không khí cần mẫn của những người thợ
Phối hợp nhịp nhàng giữa người may và thợ phụ
Khâu vào cổ áo luôn được các thí sinh cận trọng và chú ý nhất
Cẩn thận trong từng chi tiết
Hoàn thiện sản phẩm trước lúc trưng bày
Chấm điểm và nhận xét của Ban Giam khảo
Sản phẩm may xong được trình diễn trước công chúng và Ban Tổ chức
Vinh danh những thí sinh xuất sắc của hội thi
Ban Tổ chức trao Giải ba Hội thi
Bà Nguyễn Hồng Thắm Giám khảo hội thi trao Giải nhì cho 2 cá nhân xuất sắc
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trao giải nhất cho thí sinh Lê Thị Hai, nhà may Áo dài Hồng Khoa, Quận 8
Thực hiện: TRUNG TRỰC - NGUYỄN THẢO