Ngọc Đản không phải là nhiếp ảnh gia. Anh là người lính cầm bút trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ngọc Đản đã có mặt trong một cánh quân tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Thay vì cho những bức ảnh nổi tiếng đến mức gây tranh cãi một thời trên báo chí trong nước và quốc tế như bức “xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập”, Ngọc Đản đã đi vào lịch sử nhiếp ảnh báo chí Việt Nam bằng bức ảnh khá nổi tiếng: “Nguyễn Trung Kiên - nữ biệt động thành Sài Gòn dẫn đường cho quân Giải phóng tấn công Dinh Độc Lập và sân bay Tân Sơn Nhất”.
Ngọc Đản không “mang nặng đẻ đau” như nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, mà thành danh rồi “lặn” luôn khỏi “làng ảnh” nhờ “thời thế tạo anh hùng”. Có lẽ vì thế, sau này khi làm xong luận án tiến sĩ báo chí ở Mát-xcơ-va, anh về nước, phụ trách mục Xây dựng Đảng rồi Tổng biên tập Tạp chí Truyền hình VTV.
 |
Nguyễn Trung Kiên - nữ biệt động thành Sài Gòn dẫn đường cho quân Giải phóng tấn công Dinh Độc Lập và sân bay Tân Sơn Nhất.
|
Trong những năm cuối của cuộc chiến, một số ít thanh niên chúng tôi may mắn và say sưa được là người làm báo. Chủ trương của báo chí những năm đó là đào tạo cho được những phóng viên có trình độ đại học và tương đương “đi được hai chân”. “Hai chân” ở đây có nghĩa là vừa viết được, vừa chụp ảnh được hoặc ngược lại. Vì thế, khoảnh khắc vàng mà Ngọc Đản “dàn dựng” được và thành “Ảnh một thời” trước hết là nhờ những gì có trong bức ảnh đó. Ánh sáng vốn là ngôn ngữ chính tạo nên tác phẩm trong khoảnh khắc anh bấm máy không có ven, chứng tỏ không xuôi sáng và cũng không ngược sáng trong thủ pháp nghệ thuật mà nhiếp ảnh gia nào cũng coi trọng hàng đầu. Buổi trưa mà làm gì có “xuôi” và “ngược”. Nhìn bức ảnh ta có thể thấy đây là buổi nắng ong. Trưa tháng Tư đầu tháng Năm Sài Gòn thường có nắng như thế. Mô-típ chính trong bức ảnh là nữ biệt động thành Sài Gòn Nguyễn Trung Kiên. Cô gái khá xinh! Khuôn mặt tròn như vành trăng mười bốn với chiếc mũ tai bèo làm cho “vành trăng tròn hơn” và khẩu súng tiểu liên làm cho nét đào tơ liễu yếu bị mất dạng. Còn lại chỉ là nét tươi duyên của một nữ biệt động. Khoảng nét sâu của ảnh, độ mờ, biến dạng của các mô-típ trong ảnh nói lên rằng, Ngọc Đản đã sử dụng ống kính có tiêu cự trung bình -50mm. Nụ cười tươi tắn của cô gái như ta nghe thấy người bấm máy nhắc nhở: “Nào, cười lên nào! Chụp nhé! Một hai ba…”. Khẩu lệnh này rất thường có từ những tay máy nghiệp dư hay dùng trong khi chụp ảnh lưu niệm. Nhưng trong trường hợp này “dẫu là lưu niệm vẫn cứ thành danh”. Ngọc Đản đã không nghiệp dư tý nào ở chỗ là anh đã thực hiện phép “chụp bù” của người làm báo chuyên nghiệp. Người thực, việc thực mãi mãi là yêu cầu bất di bất dịch của ảnh báo chí. Ngoài nữ biệt động thành có tên tuổi đầy đủ, chính xác, anh đã “mượn” được “người thực việc thực” nữa là chiếc xe tăng mà trên đó có ba chiến sĩ, một lá cờ và những cành lá ngụy trang như vẫn đang còn tươi sắc bưng biền hay rừng núi giữa trưa Sài Gòn. Xa hơn nữa, sau chiếc xe tăng, chúng ta còn thấy mờ mờ giống như đó là những khuôn cửa sổ của chiếc máy bay dân dụng nằm trên phi trường và những vuông cỏ. Những yếu tố đó lại thêm một minh chứng anh chụp bức ảnh này ở cổng sân bay Tân Sơn Nhất vào buổi trưa cuối tháng Tư đầu tháng Năm lịch sử chứ không hẳn là vào thời khắc lịch sử trưa 30-4-1975.
Ảnh báo chí vẫn cho phép chụp bù, dàn dựng khéo léo để chuyển tải một sự thật, một người thực việc thực của một sự kiện.
NSNA Trần Định
(Nguồn: Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng)