Đại tá Nguyễn Đức Toại thuộc những nhà báo hàng đầu của báo Quân đội nhân dân (QĐND) về tuổi đời, tuổi nghề và sự đóng góp xây dựng tờ báo QĐND Anh hùng. Ông về thế giới người hiền vào sáng 16/8, để lại niềm tiếc thương cho bao nhà báo – chiến sĩ cùngđông đảo bạn đọc. Với thế hệ chúng tôi, ông đã để lại nhiều tình cảm mến thương và những kinh nghiệm làm báo quý báu, cả những câu chuyện trở thành giai thoại.
Tấm hình kỉ niệm trước lúc chia tay tại Vĩnh Linh, Quẩng trị (Từ phải qua: Lê Đình Dư, Nguyễn Ngọc Nhu, Nguyễn Đức Toại)
Khi tôi về báo QĐND(năm 1981)thì ông đang làm Phó phòng Thư ký Tòa soạn, chuyên trách trang văn nghệ cuối tuần và đặc trách chuyên mục “Câu chuyện Chủ nhật” trên trang 1. Ngày ấy chuyên mục này hấp dẫn bởi nội dung mang tính thời sự, được dư luận quan tâm, cách viết có chất văn học, cô đọng súc tích và tít bài độc, lạ. Ông đã thu hút nhiều cây viết danh tiếng cho chuyên mục này và ông cũng tham gia sửa nhiều cái tít cho hay hơn, hấp dẫn hơn. Ông thường nói với chúng tôi: Đặt tít là đặt tên bài, là nhan đề tác phẩm như đặt tên một đứa con của mình nên phải hết sức cẩn trọng. Tít bài báo phải sát chủ đề nội dung, phải có tính gợi mở, hấp dẫn, gợi sự tò mò của người đọc, ngắn gọn, dễ nhớ, mới lạ, không trùng lặp…
Suốt nhiều năm làm Thư ký tòa soạn và phụ trách chuyên mục này, ông rất dụng công cho việc đặt tít và biên tập nhiều tít hay nên được anh em Tòa soạn vinh danh là “Vua đặt tít”. Nhớ lần phòng biên tập Quân sự báo QĐND(nay là Phòng Biên tập Quốc phòng – An ninh) nhận bài viết của nhà thơ Tạ Hữu Yên về tấm gương cựu chiến binh ở Tam Điệp tăng gia sản xuất giỏi trên vùng đất cằn khô. Tạ Hữu Yên là nhà thơ quê Hoa Lư, Ninh Bình - người được coi là có nhiều bài thơ phổ nhạc nhất nước nhưng tít bài viết của ông gửi đến hôm ấy hơi dài. Tôi đưa bài cho nhà báo Nguyễn Đức Toại (lúc đó là Trưởng phòng biên tập Quân sự).Ông đọc khá kỹ, sau đó phát động cuộc thi đặt tít cho bài báo ấy. Tôi viết lên bảng đen thông báo trang trọng “cuộc thi” này do trưởng phòng phát động. Chỉ trong một tuần, phòng nhận được gần 100 tít của phóng viên trong và ngoài phòng Quân sự tham dự. Riêng Đại tá, nhà báo Khánh Vân gửi 27 tít. Và cuối cùng Tổng Biên tập Trần Công Mân đã chọn được một tít ưng ý cho bài báo ấy. Không thể nhớ hết những tít ông đã sửa cho chúng tôi và ông không chỉ sửa tít. Tôi nhớ có lần biên tập bộ ảnh của một phóng viên, thấy tấm ảnh chân dung một kỹ sư mặt cúi xuống hơi tối với dòng chú thích dài dòng, không ăn nhập. Ông chú thích lại là: “Suy nghĩ trước luống cày!” rồi nói với chúng tôi: “Các bạn thấy chưa, nhờ chú thích này mà mặt anh kỹ sư ngẩng cao lên đấy!”
Phòng biên tập Quân sự ai cũng biết thời chống Mỹ, nhà báo Nguyễn Đức Toại cùng hai nhà báo Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu vào tác nghiệp tại chiến trường Gio Linh, Khe Sanh (Quảng Trị). Sau đó, hai nhà báo Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu đã anh dũng hy sinh (sau này nhà báo Lê Đình Dư sau này được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân).
Đau thwong vô hạn trước sự hy sinh của hai đồng nghiệp, nhà báo Nguyễn Đức Toại tìm mọi cách để liên hệ với vợ con của hai anhxem họ sống ra sao, có cần giúp đỡ không? Nhưng do thời chiến, mọi người thay đổi nơi ở nên suốt nhiều năm không tìm được. Mãi đến năm 1990, khi bà Hồ Thị Kim (vợ liệt sĩ Lê Đình Dư) tìm đến cơ quan đại diện báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh thì Đại tá Nguyễn Đức Toại mới gặp được. Biết con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Đình Dư là Lê Thị Hồ Hương đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh, còn nhiều khó khăn, nên vợ chồng ông nhận cháu làm con nuôi, mời cháu về nhà ở. Ông còn làm các thủ tục cần thiết đề nghị Tổng cục Chính trị cấp nhà cho cháu Hương tại TP Hồ Chí Minh, sau này cháulập gia đình, thuận tiện trong công việc.
Những năm trước đó, nhà báo Nguyễn Đức Toại còn tích cực làm các thủ tục cần thiết để Tổng cục Chính trị cấp nhà tại Hà Nội cho con liệt sĩ Tô Ân. (Nhà báo Tô Ân, nguyên trưởng phòng biên tập Quân sự).
Thương yêu, có trách nhiệm cao với đồng nghiệp, liệt sĩ là tấm lòng và gương sáng của Đại tá, nhà báo Nguyễn Đức Toại.
Đối với lớp trẻ chúng tôi ông cũng thể hiện tấm lòng như vậy. Mỗi khi có bài viết cần góp ý là ông nói thẳng thắn, để rút kinh nghiệm về nghiệp vụ. Khi đã nghỉ hưu nhiều năm, gặp những thông tin mới, những bài báo hay là ông lại công phu photocopy gửi đến các đồng nghiệp trẻ và nhiều lần ông đi xe ôm, đến trao cho tôi các bài báo như vậy.Lúc làm Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ, tôi mời ông tham gia. Ông rất nhiệt tình, tích cực đi sáng tác và dự họp đầy đủ cùng lớp trẻ. Năm ngoái họp tổng kết CLB ông và bà Đức – phu nhân của ông vẫn đi xe tắc xi đến dự.
Nhà báo Nguyễn Đức Toại là Lão thành cách mạng, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1942 tại Quảng Trị. Khi tôi còn là hạt bụi thì ông được nhận “Thẻ Thông tín viên báo QĐND”. Ngày ấy ông đang làm cán bộ chính trị tỉnh đội Quảng Trị thì nhà báo Ngọc Bằng đạp xe lặn lội từ Hà Nội vào, trao tấm thẻ ấy. (Tấm thẻ này hiện đang lưu giữ tại Phòng truyền thống của báo QĐND). Ông trở thành nhà báo – chiến sĩ khi tôi mới một tuổi.
Vợ chồng Đại tá Nguyễn Đức Toại, bên cạnh là tác giả và phu nhân nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Ba (bên trái) tại buổi gặp mặt truyền thống.
Trước Tết năm ngoái, ông ngồi trong nhà, nhận ra tôi từ xa,4mắt sáng, tai tinh. Khi hỏi đến tuổi, ông còn nói vui: “Hôm nay tôi 94 tuổi 27 ngày”. Tôi dùng điện thoại chụp chân dung ông. Xem ảnh, ông khen: “Cậu khá lắm, chụp luôn cả tờ lịch ngày hôm nay”.
-Thưa bác, đó là bài học em học được từ bác đấy ạ. Trước bác kể rằng: Trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, mình chạy dọc lộ 4 xuống Cà Mau. Phải chụp gì đây để chứng tỏ mình đang tiến xuống vùng đất cuối cùng Tổ quốc. Thế là mình chụp ngay cột cây số bên đường… Chụp hình báo chí phải có địa chỉ.
Nghe vậy, ông cười rất vui: “Đúng như vậy! Cậu nhớ thế!”
Trước Tết năm Tân Sửu vừa rồi, ông yếu hơn, chậm hơn nhiều. Ngồi một lát ông mới nhận ra tôi. Chỉ có một cử chỉ vẫn như xưa là ông vui hẳn lên khi tôi đưa tặng mấy tờ báo xuân. Với ông, báo chí là tất cả, là cuộc đời ông. Ông luôn trăn trở về nghề báo và lúc nào cũng muốn truyền dạy cho lớp trẻ những kinh nghiệm đời mình.
Thương tiếc và nhớ mãi Đại tá, nhà báo Nguyễn Đức Toại, xin được viết những dòng này để tưởng nhớ, tri ân người thày, người anh đã hết lòng vì lớp trẻ chúng tôi và vì uy tín, truyền thống vẻ vang của tờ báo QĐND anh hùng.
Đại tá ĐÀO VĂN SỬ( Nguyên Trưởng Cơ quan Đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại TP Hồ Chí Minh)